KIM - Luxury Interior Design
09 March , 2022 • Chia sẻ kinh nghiệm
Tin tức mới
Gothic là một phong cách kiến trúc ra đời trong thời kỳ Trung cổ. Vốn ban đầu, Gothic chỉ tác động với kiến trúc bên ngoài – thường là những nhà thờ và dinh thự lớn. Dần dần, những ảnh hưởng sâu rộng của nó được biết đến trong lĩnh vực nội thất cũng như thời trang. Cùng KIM tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Kiến trúc Gothic là gì?
Gothic là loại hình kiến trúc ra đời sau thời kì kiến trúc Romanesque. Kiến trúc Gothic được đặc trưng bởi những vòm vót nhọn theo phương thẳng đứng – khác với vòm bán nguyệt của loại hình tiền nhiệm. Đồng thời, các hình thức điêu khắc, tượng nổi cũng được khắc theo chiều dọc. Bởi vậy, những công trình theo kiến trúc Gothic luôn mang cảm giác cao chót vót.
Gothic được ứng dụng rõ rệt và đẹp nhất trong xây dựng nhà thờ, thánh đường và cung điện. Suốt quá trình phát triển của mình, những công trình này ngày một cao hơn, tới hơn 60m. Để dễ so sánh thì cung điện Buckingham và đa số các cung điện cho vua chúa Châu Âu chỉ có chiều cao hơn 20m.
Gothic được nhận định là một phong cách mang tính độc đáo và dễ nhận biết. Ngay cả tới thời điểm hiện nay, khi có vô số phong cách thiết kế mới ở khắp các quốc gia, cũng chưa có một phong cách nào có thể gây nhầm lẫn. Đặc biệt, trong nội tại phong cách này, cũng không có 02 công trình nào trùng lặp.
Lịch sử hình thành và phát triển
Được cho là ra đời vào khoảng thế kỷ 12 sau Công nguyên, Gothic ảnh hưởng mạnh mẽ và kéo dài suốt thời Trung Cổ. Sau đó, phong cách này dần suy yếu, nhường chỗ cho phong cách Phục Hưng cổ điển từ khoảng thế kỷ 15.
Thời kỳ đầu, nghệ thuật Gothic được gọi là “tác phẩm của người Pháp” (Opus Francigenum). Do vậy, có thể coi nước Pháp chính là cái nôi của kiến trúc Gothic. Tuy nhiên, phong cách này lại phát triển và kéo dài ở Anh nhiều hơn nhiều so với tại Pháp. Đó cũng chính là lý do đa số các công trình Gothic hiện nay lại nằm tại vương quốc này.
Thời kỳ phục hưng của kiến trúc Gothic bắt đầu từ giữa thế kỷ 18 ở Anh và lan rộng khắp Châu Âu trong suốt thế kỷ 19; sau đó vẫn ảnh hưởng rất mạnh trong các kiến trúc về nhà thờ và các trường đại học cho đến tận thế kỷ 20.
Nền tảng niềm tin
Kiến trúc Gothic được ứng dụng đẹp nhất và nhiều nhất trong nhà thờ, thánh đường – công trình tôn giáo. Bởi vậy, Gothic cũng phần nào phản ánh niềm tin này.
Đầu tiên, phải nói về bối cảnh. Thế kỷ 12 chứng kiến Công giáo trở thành đạo giáo phổ biến nhất tại Châu Âu, chiến thắng tất cả chủ nghĩa ngoại lai. Bởi thế, nhà thờ và giáo hội Công giáo là những cơ quan vô cùng quyền lực và giàu có. Về quyền lực, họ chính là cầu nối tới Chúa và thánh thần. Khi khoa học chưa thực sự phát triển, niềm tin chính là giá trị lớn nhất; là trung tâm của đời sống công dân. Về độ giàu có, mọi giáo dân đều phải đóng góp cho nhà thờ. Tất cả những lễ nghi được tổ chức cũng không phải do nhà thờ chi trả.
Các công trình Gothic được xây dựng ngày càng cao. Thêm vào đó, điêu khắc theo chiều dọc càng làm nổi bật “độ cao” này hơn nữa. Khiến ta cảm thấy những kiến trúc Gothic luôn như tháp lửa hướng thẳng lên bầu trời. Với độ cao tới hơn 60m, nhà thờ chênh lệch hoàn toàn so với nhà ở của giáo dân thông thường, thậm chí với cả cung điện. Những đặc điểm này được áp dụng nhằm mục đích tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với những người tiếp cận, chỉ ra sức mạnh của Chúa và sức mạnh của thể chế mà nó đại diện. Cùng với thiết kế thẳng đứng là những bức tranh và phù điêu trên trần; giúp hướng ánh mắt giáo dân lên cao; thể hiện sự ngoan đạo và khát vọng tới giấc mơ thiên đường. Kiến trúc Gothic chính là đại diện cho quyền lực tối cao và sự hùng vĩ – hiện thân quyền lực của những kẻ thống trị thời đó.
Ảnh hưởng đa chiều
Những điêu khắc và nghệ thuật Gothic thời kỳ này được khắc hoạ trên các công trình kiến trúc. Phần nhiều chính là thể hiện lại những câu chuyện trong Kinh thánh. Có ý kiến cho rằng, điều này nhằm mục đích giáo dục phần đông giáo dân – vốn không biết chữ. Đồng thời, cũng làm tăng tính thẩm mỹ cho thiết kế.
Kính màu (Stained glass) là một trong những đặc trưng tiêu biểu thời kỳ này, nằm trong nghệ thuật Gothic. Kính màu chủ yếu được ứng dụng trong cửa sổ hoa hồng tại Nhà thờ và Thánh đường. Sự tương phản giữa những bức tường tối và cửa sổ rực rỡ ánh sáng mang lại cảm giác bí ẩn trong thiết kế Gothic.
Gothic ở thời hiện đại còn được biết đến là một phong cách thời trang. Những bộ trang phục theo phong cách Gothic thường có màu đen làm chủ đạo, đôi khi là đỏ thẫm, kết hợp với chất liệu ren, nhung quí tộc tôn lên vẻ đẹp ma mị, gợi cảm và có phần dị biệt. Phong cách thời trang Gothic ra đời và thực sự phát triển là vào giai đoạn từ cuối những năm 70 đến đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Vào thời điểm đó, những người yêu nhạc biết đến một thể loại nhạc rock có tên là Gothic Rock. Chính những fan của dòng nhạc này đã học theo cách ăn mặc, trang điểm của các rocker – thần tượng của họ.
Đặc điểm của kiến trúc Gothic
Các kỹ sư thời kỳ này đã phát minh ra các phương pháp xây dựng mới để hỗ trợ khối lượng cực lớn – điều cần thiết cho những công trình hùng vĩ này. Kiến trúc Gothic có thể được nhận diện bằng những đặc điểm sau:
- Mở rộng theo chiều dọc, nhấn mạnh vào độ cao
- Các cửa sổ và mái vòm vuốt nhọn
- “Trụ bay” – nguyên mẫu là “flying buttress” là một phát minh vĩ đại về kiến trúc trong thời kỳ này
- Cửa sổ hoa hồng với kính nhiều màu (Rosace)
- Ánh sáng tự nhiên nhiều hơn so với những thời kỳ trước
Khi các cửa sổ ngày càng lớn hơn, ánh sáng đóng một vai trò quan trọng trong phong cách trang trí Gothic. Những cửa kính hoa hồng có xu hướng ngày càng cao hơn, thường từ 8 – 12m. Số lượng cửa sổ cũng nhiều hơn và được lấp đầy bằng kính thuỷ tinh nhiều màu sắc. Lượng ánh sáng và luồng không khí tăng lên thông qua cửa sổ đã làm sống động cảm giác tối tăm và buồn tẻ của các nhà thờ thời Romanesque.
Các công trình Gothic thường được xây dựng hàng thế kỷ. Nhà thờ Cologne tại Đức được xây dựng từ 1248 đến 1473; và phải đến thế kỷ 19 thì mới hoàn thành xong phần còn lại. Nơi đây là thánh đường của người Roman, một trong những nhà thờ lớn nhất ở Bắc Âu.
Ngày nay, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những công trình kiến trúc Gothic lớn nhỏ ở khắp vương quốc Anh; tại Pháp và rải rác ở Châu Âu. Có thể kể đến: Nhà thờ đức bà Paris, Tu viện Westminster, Tháp đồng hồ Big Ben, Nhà thờ Đức Bà Amiens, …
Ứng dụng trong thiết kế nội thất
Cụm từ Victorian Gothic thường làm liên tưởng tới những toà lâu nhà cổ xưa với cửa sổ vòm cao hàng mét và những tấm rèm che khuất mọi ánh sáng. Khiến mọi thứ hiện ra đầy ma mị, âm u?
Thực chất Victorian Gothic là một phong cách thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ kiến trúc Gothic, thịnh hành từ những năm 1740s tại Anh, kéo dài tới thời nữ hoàng Victoria thế kỷ 19. Nổi bật bởi vẻ đẹp ma mị, thu hút, sang trọng và quyến rũ. Đây chính là phong cách thiết kế nội thất được những NTK hiện đại ngày nay lấy cảm hứng và tìm cách áp dụng cho thực tế.
Nội thất
Đồ nội thất theo phong cách Gothic thời Victoria được làm bằng gỗ sồi nặng, chắc chắn và theo phong cách cổ điển. Tương tự như đặc điểm kiến trúc, những chiếc ghế, đầu giường hay tủ được điêu khắc hướng tâm theo mái vòm. Chân đồ nội thất theo kiểu dáng cầu kỳ, xoắn ốc. Tuy nhiên, nếu so sánh với đồ nội thất Châu Âu cổ điển được sử dụng trong thời kỳ Phục Hưng đến Tân cổ điển; thì tính điêu khắc sẽ có phần “thô mộc”, ít “đài các” hơn.
Các loại thảm trải sàn, treo tường cũng rất được ưa chuộng trong thiết kế nội thất Gothic. Vải bọc nội thất trong phong cách này thường dày dặn, theo tone màu tối và trang trọng. Loại vải thường dùng là gấm thêu và nhung. Phong cách hiện đại hơn có sử dụng vải satan nhờ vẻ sang trọng, nhã nhặn và gợi cảm mà nó mang lại.
Màu sắc
Nhiều người nhầm lẫn rằng phong cách Gothic chỉ dùng màu đen làm chủ đạo. Thực tế, màu đen được sử dụng khá nhiều nhưng không đến mức lạm dụng. Phong cách nội thất Gothic có tường sơn màu tối nhưng rực rỡ bao gồm xanh lục bảo, đỏ tía đậm, đỏ ruby hoặc xanh đại dương đậm và vàng. Một phong cách màu sắc khác trong Gothic lại lấy cảm hứng từ không gian nội thất thời kỳ Trung Cổ với những bức tường bằng đá hoặc sơn lỳ mô phỏng bề mặt đá.
Bên cạnh đó, tường điêu khắc, phào chỉ và giấy dán tường hoa lá hoặc tranh vẽ cũng rất được ưa chuộng trong phong cách này. So với Tân cổ điển, điêu khắc trên tường thời kỳ này có phần hoa mỹ và cầu kỳ hơn. Điểm khác biệt rõ nhất là điêu khắc nổi thay vì chìm trong tường như Tân cổ điển.
Ánh sáng
Ánh sáng tự nhiên được coi trọng trong thiết kế nội thất Gothic. Cửa sổ thường được thiết kế mảnh, dài và nhiều; cùng với dáng vòm vót nhọn đặc trưng. Các cửa sổ có thể lấy cảm hứng từ các nhà thờ Gothic với kính màu sắc minh hoạ tranh vẽ.
Decor
Trang trí nội thất Gothic chịu ảnh hưởng lớn từ Công giáo với các điêu khắc mô tả câu chuyện kinh thánh. Phần trưng bày và đèn sử dụng những đặc trưng như sắt rèn, kim loại, gỗ, kính màu hoặc đá nặng. Một số đồ decor thường được đưa vào thiết kế là đĩa gốm, đèn treo tường bằng gỗ, tượng chạm khắc và đèn làm bằng sắt rèn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đưa yếu tố nghệ thuật vào bằng những bức tranh trường phái Gothic.
Những ngôi nhà thời Gothic thường có lò sưởi lớn trong phòng và xà nhà lộ rõ. Đây cũng là những yếu tố thường được đưa vào và đặc biệt phù hợp với tường đá. Một chút ánh nến lung linh sẽ hoàn thiện cảm hứng thần thánh của thiết kế nội thất Gothic.
Một số mẫu thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ Gothic
Bản thân Gothic có nét rất riêng biệt. Các công trình hiện đại có thể dựa trên một vài đặc điểm hoặc lấy cảm hứng từ chất ma mị, vương giả và thu hút của phong cách này để sáng tạo thêm. Không nhất thiết cần phải làm giống hoàn toàn.
Penthouse Ancora – Nét cổ điển trong công trình hiện đại
Thiết kế Penthouse Ancora của KIM được thiết kế theo phong cách Modern Luxury tone tối. Tuy nhiên, một vài đặc điểm như khung tranh, chân nội thất, lò sưởi,…lại được NTK cố tình sử dụng hoa văn trạm trổ cầu kỳ. Từ đó làm bật lên nét Gothic vương giả đặc sắc.
Vòm Gothic trong thiết kế Industrial
Phong cách nội thất Gothic và Industrial có một điểm chung để kết hợp, đó là tường xám mô phỏng đá tự nhiên. Và đây cũng chính xác là cầu nối được KTS Tsiabus Maxim ứng dụng trong thiết kế nhà thú vị sau đây. Sở dị nội thất rời vẫn rất phù hợp trong không gian Gothic bởi tác giả đã hữu ý sử dụng những tone gỗ tối màu, đem lại cảm giác cổ xưa.
Căn hộ mang màu sắc Gothic rõ rệt
Thiết kế sau đây của NTK người Nga được lấy cảm hứng từ phong cách Victorian Gothic. Tường sơn đen kết hợp cùng nội thất tone màu trầm nặng. Tuy nhiên, ánh sáng tự nhiên qua cửa kính tối đa đã lấp đầy màu sắc cho căn phòng. Cách bố trí nội thất khoa học và thông thoáng cũng là một điểm cộng lớn.
Biệt thự ngoại ô Hertfordshire – Đơn giản và dễ ứng dụng
Căn biệt thự được người chủ tự sắp đặt và thiết kế theo phong cách Gothic. Cách sử dụng màu sắc khá tươi sáng kết hợp cùng decor sắt rèn và gỗ trạm trổ. Có thể nói, đây là một tác phẩm đơn giản và dễ dàng ứng dụng với mọi nhà.
Căn nhà cổ tại Wales của NTK Victoria Kline
Vốn mang kiến trúc Gothic nên không có gì lạ khi thiết kế căn nhà toát lên vẻ Gothic rõ rệt. Những cửa sổ cao và mảnh nằm san sát gần thay thế bức tường; lấp đầy bởi kính thuỷ tinh nhiều màu sắc. Nội thất cổ điển và những chiếc đèn sắt được sử dụng xuyên suốt không gian. Một điểm nhấn lớn của căn nhà nằm ở decor đậm tính tôn giáo.
Vẻ đẹp của trạm khắc nổi phong cách Gothic
Biệt thự dưới đây được NTK Tsiabus Maxim lấy cảm hứng từ phong cách nhà thờ Gothic. Cụ thể là ở trạm khắc nổi và kiến trúc đá kiểu nhà thờ phía trong.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của KIM đã giúp bạn hiểu hơn về Gothic. Đồng thời, giúp bạn cảm nhận được nét đẹp và có cảm hứng từ phong cách này cho thiết kế nội thất nhà mình. Nếu bạn đang có nhu cầu thiết kế thi công nội thất trọn gói, hãy liên hệ KIM để được tư vấn nhé!
CEO KIM
Kinh nghiệm 05 năm theo đuổi dòng thiết kế nội thất cao cấp
Phong cách đặc trưng: Modern Classic, Modern Luxury
“Đối với tôi, lương tâm nghề nghiệp và sự tận tâm với khách hàng là yếu tố hàng đầu duy trì thành công của KIM”
GỢI Ý DÀNH CHO BẠN
ĐĂNG KÍ NHẬN TƯ VẤN