KIM - Luxury Interior Design
15 March , 2022 • Chia sẻ kinh nghiệm
Tin tức mới
Phong cách thiết kế nội thất cổ điển là một trong những phong cách thiết kế tồn tại lâu đời nhất trên thế giới. Cũng bởi vậy, nó sở hữu vẻ đẹp và một giá trị cực kỳ vững chắc. Thiết kế nội thất cổ điển gắn liền với sự vương giả, cao quý và sang trọng. Cùng KIM tìm hiểu trong bài viết sau.
Phong cách thiết kế nội thất cổ điển là một trường phái thiết kế áp dụng nguyên tắc cân bằng và đối xứng vô cùng khắt khe với các hoa văn cầu kì, trau chuốt. Đặc trưng của phong cách này là nét đẹp cổ kính mà không kém phần sang trọng, quý phái, tạo cảm giác quý tộc.
Phong cách này bắt nguồn từ châu Âu và được phổ biến rộng rãi từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 . Tồn tại qua hàng thế kỷ, phong cách nội thất Cổ điển mang nhiều giá trị văn hoá và có ảnh hưởng sâu rộng tới tận ngày nay.
Bắt nguồn từ các nguyên tắc của kiến trúc Lã Mã và Hy Lạp cổ đại, phong cách nội thất Cổ điển nhấn mạnh vào bố cục đối xứng, tỷ lệ vàng, tính phô trương, điêu khắc và nghệ thuật.
Thiết kế nội thất cổ điển bị ảnh hưởng rõ rệt bởi các phong cách kiến trúc: Baroque, Phục Hưng và Rococo. Một số công trình sử dụng nội thất Cổ điển rõ rệt nhất nằm ở thế kỷ 18 – thời của kiến trúc Tân cổ điển. Có thể kể đến như: Cung điện Buckingham (Anh), Kenwood House (Anh), …
Lịch sử ra đời và phát triển của phong cách cổ điển
Lịch sử của cụm từ “thiết kế nội thất” mới chỉ có tuổi đời khoảng 100 năm. Do vậy, bản thân các phong cách thiết kế nội thất cũng không đi theo lịch sử kiến trúc; mà chỉ vận dụng và ứng dụng các đặc điểm kiến trúc đó để cho ra đời các phong cách thiết kế tương ứng.
Thiết kế nội thất phong cách cổ điển bao gồm các phong cách nội thất được sử dụng xuyên suốt sau thời kỳ Trung cổ tới trước Hiện đại. Tuy kiến trúc bên ngoài có sự thay đổi tương đối rõ rệt từ Phục Hưng, Baroque, Rococo tới Neo Classic; nội thất thời kỳ này lại khá tương đồng. Bởi vậy, có thể gọi chung là phong cách nội thất Châu Âu cổ điển.
Kiến trúc, Nội thất và Nghệ thuật cổ điển ra đời là dành cho giai cấp thống trị. Bởi vậy, ngoài là biểu tượng của thời đại, nó cũng phản ánh xã hội, chính trị và văn hoá. Thời điểm ra đời của phong cách trang trí nội thất Châu Âu cổ điển đã đánh dấu sự kết thúc của Kiến trúc Gothic và bắt đầu thời kỳ Phục Hưng.
Có thể nói đây là một bước chuyển mình lớn. Bởi khác với giai đoạn Trung cổ trước đó coi thần thánh là tối cao và duy nhất; giai đoạn Phục Hưng đề cao con người. Phục Hưng coi con người là bản sao hoàn hảo của Thượng đế và tìm cách khắc hoạ con người cũng như thiên nhiên một cách hoàn hảo nhất. Qua đó, bộc lộ những tham vọng về khả năng phát triển, sự sáng tạo hài hòa và duy lý của con người, để ganh đua với quyền năng của thánh thần. Điều đó có phần dẫn tới phong cách Baroque và Rococo sau này: phô trương, kịch tính và phức tạp.
Chính những ý niệm của thời kỳ sản sinh đã tác động lên phong cách trang trí nội thất cổ điển.
Các đặc trưng cơ bản trong thiết kế nội thất Cổ điển
Phong cách thiết kế nội thất Cổ điển đặc trưng bởi những chi tiết hoa văn được trạm trổ dày đặc, những bức tranh và tượng điêu khắc được tận dụng tối đa, những chi tiết nội thất mạ vàng và đồng. Điều này mang tới không gian hội hoạ có phần vô thực, nhằm tăng hiệu ứng kịch tính và sân khấu.
Tính đối xứng và tỷ lệ vàng
Bản chất phong cách này vẫn đi từ các nguyên tắc của kiến trúc La Mã và Hy Lạp. Do vậy, đối xứng và tỷ lệ chuẩn mực là thước đo quan trọng nền tảng. Trong thiết kế nội thất Cổ điển, NTK nên ưu tiên sử dụng các bố cục đối xứng, hoạ tiết trục, đồ nội thất đi theo cặp/bộ. Điều này tạo nên sự trang trọng và lịch thiệp trong thiết kế.
Đồ nội thất rời cầu kỳ
Khác với các phong cách khác mạnh về bố cục và không gian, phong cách Cổ điển lại nhấn về đồ rời. Mỗi món đồ đều cực kỳ tỉ mỉ và công phu. Đây cũng chính là điểm khó cho ứng dụng trong thiết kế ngày nay. Bởi nếu làm không tới thì thiết kế sẽ trông kệch cỡm và tố cáo sự “thiếu hiểu biết” của chủ nhân.
Các món đồ nội thất thường làm bằng gỗ, có thể khảm xà cừ, ngọc trai và có những chi tiết dát vàng, đồng. Vải bọc thường dày dặn, thêu hoa văn tỉ mỉ, phổ biến nhất là gấm và nhung.
Các yếu tố xoắn, điêu khắc cũng cầu kỳ, chi tiết và yểu điệu hơn so với nội thất thời kỳ Trung cổ. Kiểu chân nội thất dùng phổ biến trong thời kỳ này chính là kiểu chân quỳ cong nhẹ và trạm trổ.
Tường – Trần trang trí công phu
Nội thất cổ điển sử dụng những bức tường và trần được trang trí công phu. Các phương pháp được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với nhau. Từ tạo hình nổi như phào chỉ, diềm tường dát vàng, điêu khắc, phù điêu tới tranh vẽ Phục Hưng mô tả thiên đường sinh động. Tất cả tạo nên một không gian của hội họa, điêu khắc và nghệ thuật đắp hình nổi.
Sàn trải thảm lớn
Sàn đá cẩm thạch tạo nên sự thanh lịch. Trong khi đó, sàn gỗ dễ chịu và phổ biến hơn. Sàn nhà cũng thường được trang trí với thảm Ba Tư khổ lớn, có thể chiếm gần hết diện tích sàn.
Ánh sáng huyền ảo
Kiến trúc Phục Hưng giúp cho ánh sáng mặt trời tán xạ một cách huyền ảo trong không gian. Các cửa sổ khổ lớn thừa hưởng từ Gothic. Tuy nhiên, được thiết kế chồng cao hai tầng: một cửa sổ lớn hình chữ nhật và một cửa bé hơn hình tròn, nửa tròn hoặc hình oval.
Đèn được sử dụng trong thiết kế nội thất cổ điển thường là đèn chùm lớn cho không gian chung kết hợp với nhiều đèn tường hình giá nến. Sự xuất hiện của pha lê nhân tạo vào năm 1676 đã tạo ra bước tiến lớn cho đèn chùm pha lê. Thế kỉ 18 và thế kỉ 19, đèn chùm trang trí đã thay dần đồng bằng các gọng pha lê hay thủy tinh, tăng lên sự cao sang của đèn chùm pha lê.
Màu sắc
Các gam màu sử dụng trong thiết kế nội thất cổ điển thường trầm lắng và trang trọng như: đỏ thẫm, xanh lá đậm, xanh dương, vàng, kem,…Bên cạnh đó là màu vàng kim và đồng từ kim loại mạ và màu đậm của gỗ. Cách phối hợp màu sắc có phần ấn tượng và tạo sự tương phản mạnh mẽ.
Decor
Decor nổi bật nhất nằm ở các chi tiết mạ vàng và đồng trong thiết kế. Bên cạnh đó là tranh ảnh treo tường theo trường phái cổ điển hoặc tranh vẽ tường khổ lớn. Điêu khắc và phù điêu cũng đóng một vai trò quan trọng trong trang trí phong cách nội thất cổ điển. Các bức tượng này thường mô phỏng tỷ lệ hoàn hảo của con người. Được sử dụng nhiều không kém là cụm thiên thần điêu khắc và các nhân vật khác trên cao, gọi là “quadratura”.
Cùng chiêm ngưỡng một số mẫu thiết kế nội thất Cổ điển được KIM sưu tầm sau đây.
Thiết kế nội thất cổ điển trang nhã dễ ứng dụng
Thiết kế sử dụng chủ yếu là các gam màu kem và be. Cùng với đồ, đồ decor mạ đồng cũng làm tăng vẻ trang nhã và không quá nổi bật như màu mạ vàng. Đây được coi là một ý tưởng dễ sử dụng trong thiết kế ngày nay.
Căn phòng ngủ được thiết kế theo phong cách cổ điển thế kỷ 18 – 19.
Nội thất cổ điển Biệt thự Kenwood Anh
Thiết kế nội thất một trong những biệt thự nổi tiếng nhất tại Anh – biệt thự Kenwood xây dựng thế kỷ 18. Có thể thấy sự ảnh hưởng nhẹ từ phong cách Rococo Pháp ở lối sử dụng màu sắc pastel và tươi sáng. Hầu hết đồ nội thất đều sử dụng gỗ nâu đậm đúng với chất nội thất cổ điển Anh.
Cảm hứng cổ điển từ tranh Phục Hưng
Tranh vẽ tường mô tả phong cảnh, con người hay thiên đường một cách chân thực phong cách Phục Hưng góp phần làm rõ nét phong cách nội thất cổ điển. Tuy nhiên, nhược điểm là cách làm này khá tốn công và có phần hơi hoa mỹ ở thời hiện đại.
Được xây dựng từ thế kỷ 18 và thuộc về hoàng gia, lâu đài Mesnil Geoffroy được giữ nguyên cả về kiến trúc và thiết kế nội thất cho đến tận ngày nay. Đồ gỗ, mặt tiền bên ngoài, trang trí của phòng ăn và phòng ngủ chứng tỏ cuộc sống của giới quý tộc Norman vào thế kỷ 18.
Trang trí tường với giấy dán tường hoa lá cổ điển
Một cách decor nội thất cổ điển khác không thể không kể đến là sử dụng giấy dán tường hoa lá. Nếu như những phong cách nội thất cổ điển trên có phần thiên về giới quý tộc và hoàng gia thì giấy dán tường lại đặc biệt phổ biến trong tầng lớp trung lưu. Bản thân nó cũng có vẻ đẹp rất riêng.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của KIM giúp bạn hiểu hơn về phong cách nội thất cổ điển. Nếu phong cách này có phần hơi hoa mỹ với bạn, hãy tham khảo thử phong cách thiết kế nội thất Tân cổ điển nhé. Tân cổ điển vẫn giữ một phần hoa văn từ cổ điển, cùng với đó là lối sử dụng màu sắc nhẹ nhàng và dễ dùng hơn khá nhiều.
Giữa rất nhiều những phong cách thiết kế như hiện đại, cổ điển, taiwan, đương đại,…thì phong cách tân cổ điển vẫn được nhiều gia chủ lựa chọn cho phòng khách – phòng quan trọng nhất của ngôi nhà. Hãy cùng KIM khám phá những mẫu phòng khách tân cổ điển đẹp, sang trọng và…